Phát triển ngành công nghiệp hóa dược Việt Nam: Thách thức và giải pháp
Ngành công nghiệp hóa dược đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe và góp phần phát triển kinh tế đất nước. Việt Nam đang nỗ lực phát triển ngành công nghiệp này, không chỉ để đáp ứng nhu cầu nội địa mà còn hướng tới xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, ngành công nghiệp hóa dược nói riêng và dược phẩm nói chung của Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Để giải quyết những vấn đề này, cần có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả.
Tình hình ngành công nghiệp hóa dược Việt Nam hiện nay
Vai trò của ngành công nghiệp hóa dược
Công nghiệp Hoá dược là ngành công nghiệp chủ chốt sản xuất dược chất theo phương pháp tổng hợp hóa học, chiết tách, tinh chế các dược chất có nguồn gốc tự nhiên từ dược liệu và sinh tổng hợp kháng sinh; sản xuất tá dược, khoáng chất, vitamin và các loại phụ gia khác dùng để bào chế thuốc. Theo WHO, các sản phẩm hóa dược là thành phần nền tảng của cả các dược phẩm cổ truyền lẫn hiện đại. Công nghiệp Hóa dược bao gồm việc xác định, tổng hợp và phát triển các hóa chất mới phù hợp cho mục đích trị liệu (thuốc mới), sản xuất những loại thuốc đã sẵn có, nghiên cứu nâng cao chất lượng các sản phẩm thuốc sẵn có. Ngoài sản phẩm thuốc, ngành công nghiệp hóa dược còn cung cấp nguyên liệu cho ngành sản xuất thực phẩm chức năng và dược mỹ phẩm. Trong thời gian vừa qua, mặc dù ngành tổng hợp sinh học đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh trong sản xuất nguyên liệu làm thuốc, tuy nhiên công nghiệp hóa dược đã, đang và sẽ là ngành giữ vai trò chủ yếu trong sản xuất loại nguyên liệu này, đặc biệt là trong tổng hợp các loại dược chất phân tử nhỏ, thuốc đích có hiệu quả rất cao trong chữa trị các bệnh mãn tính, nhất là bệnh ung thư và bệnh tim mạch.
Tăng trưởng và phát triển
Quy mô thị trường hóa chất dược phẩm toàn cầu đạt 108 tỷ USD vào năm 2022 và được dự đoán sẽ đạt 205,6 tỷ USD vào cuối năm 2032, đạt CAGR là 6,7% trong giai đoạn dự báo từ năm 2023 đến năm 2032 (Hình 2.7). Nhu cầu về thuốc tiên tiến và dược chất ngày càng tăng là động lực tăng trưởng chính của thị trường hóa chất dược phẩm. Dược chất sản xuất bằng phương pháp tổng hợp hóa học hiện chiếm phần lớn thị phần API toàn cầu (gần 72%) [14].
Công nghiệp hóa dược phát triển mạnh ở các nước Bắc Mỹ, đặc biệt là ở Mỹ nhờ cơ chế chính sách thuận lợi của chính phủ đối với các hoạt động nghiên cứu, phát triển và sản xuất hóa chất dược phẩm. Châu Á-Thái Bình Dương dự kiến cũng sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhờ sản lượng API ngày càng tăng và các công ty dược phẩm lớn trong khu vực đầu tư ngày càng nhiều vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển API.
Các yếu tố chính ảnh hưởng tới mức độ tăng trưởng của thị trường hóa chất dược phẩm và sự phát triển của công nghiệp hóa dược bao gồm: Sự gia tăng về nhu cầu đối với các loại thuốc mới, tiên tiến; Tỷ lệ dân số già ngày càng tăng; Nhu cầu về các dược chất tăng; Khả năng tiếp cận bảo hiểm chăm sóc sức khoẻ dễ dàng hơn; Hỗ trợ của các Chính phủ cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển; thuốc hóa dược có một số ưu điểm so với các loại dược phẩm khác.
Tiềm năng và hạn chế của thị trường hóa dược Việt Nam
Trong những năm qua, ngành công nghiệp dược phẩm nói chung và hóa dược Việt Nam đã có những bước tăng trưởng nhanh chóng. Theo các thống kê, thị trường dược phẩm Việt Nam đạt khoảng 7 tỷ USD vào năm 2020, và dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 10-15% mỗi năm trong những năm tới. Sự phát triển này phản ánh nhu cầu ngày càng cao về chăm sóc sức khỏe của người dân, cũng như sự quan tâm của chính phủ trong việc nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Nhiều doanh nghiệp dược ở trong nước đã đạt tiêu chuẩn WHO-GMP, trong đó một số đạt tiêu chuẩn EU-GMP hoặc Japan-GMP. Tuy nhiên, nhìn chung ngành công nghiệp hóa dược Việt Nam nhìn chung chưa phát triển, hầu hết các doanh nghiệp dược trong nước đều sản xuất các loại thuốc thông thường, phổ biến trên thị trường như một số loại kháng sinh, giảm đau, hạ sốt, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, v.v. trong khi các loại thuốc chuyên khoa, đặc trị có yêu cầu kỹ thuật bào chế hiện đại chưa sản xuất được.. Trong cả nước hiện nay chỉ có 6 doanh nghiệp đăng ký sản xuất hóa dược, trong đó có 3 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn WHO-GMP. Sản phẩm của các doanh nghiệp này tương đối đơn giản bao gồm terpin hydrat, hydroxit magie, cacbonat canxi, phosphate canxi, gelatin, v.v. Các doanh nghiệp hóa dược trong nước có quy mô nhỏ, sử dụng công nghệ và thiết bị khá lạc hậu nên giá thành sản phẩm cao, khả năng cạnh tranh thấp. Các sản phẩm chiết xuất từ cây dược liệu như tinh dầu, cao dược liệu chất lượng chưa cao và chủ yếu được sử dụng trong nước để sản xuất thực phẩm chức năng, mỹ phẩm hoặc xuất khẩu.
Theo phân loại của UNIDO, công nghiệp dược của Việt Nam được xếp loại ở mức 3/5, nghĩa là “công nghiệp dược nội địa sản xuất đa số thành phẩm từ nguyên liệu nhập”, theo phân loại của WHO thì công nghiệp dược Việt Nam mới ở gần cấp độ 3 (bao gồm 4 mức) “có công nghiệp dược nội địa; có sản xuất thuốc generic; xuất khẩu được một số dược phẩm”. Hoạt động bào chế thuốc mới đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu thuốc tính theo số lượng và 50% tính theo giá trị, song sử dụng nguyên liệu nhập khẩu là chủ yếu, nguồn nguyên liệu trong nước chỉ mới đáp ứng được một phần nhỏ cho nhu cầu sản xuất thuốc (khoảng 5,2% cho thuốc tân dược và khoảng 20% cho thuốc đông dược).
Do công nghiệp hóa dược chưa phát triển và sản phẩm của ngành chưa cạnh tranh được với sản phẩm của các nước trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ nên phần lớn nguyên liệu sử dụng để bào chế thuốc và sản xuất các sản phẩm bảo vệ sức khỏe khác đều phải nhập khẩu.
Những điểm yếu, hạn chế của ngành công nghiệp hóa dược do nhiều nguyên nhân, trong đó có tác động của một số yếu tố, bao gồm: Hiệu quả khai thác và sử dụng nguồn nguyên liệu thô còn thấp; chưa tận dụng được các điểm mạnh về kinh tế - xã hội của đất nước; cơ chế chính sách hiện hành còn một số bất cập nên chưa thu hút được các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư; mặt trái của các Hiệp định FTA.
Giải pháp phát triển công nghiệp dược
Để phát triển bền vững ngành công nghiệp dược phẩm, cần có những giải pháp đồng bộ và cụ thể và khả thi:
a) Giải pháp về thể chế, pháp luật
Xuất phát từ thực trạng các cơ chế, chính sách, đặc biệt là về thu hút, ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực hóa dược còn một số hạn chế, bất cập, chưa cụ thể, chưa đủ sức hấp dẫn, thu hút đầu tư nhất là đối với các tập đoàn dược phẩm hàng đầu thế giới. Chính phủ, Bộ, ngành cần xây dựng Chương trình nghiên cứu để hoàn thiện hệ thống các cơ chế, chính sách đồng bộ (về khuyến khích, hỗ trợ đầu tư, nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ, cải cách thủ tục hành chính…). Đề xuất các chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp đối với ngành công nghiêp hóa dược. Trong đó, áp dụng cơ chế ưu đãi, hỗ trợ ở mức cao đối với một số hoạt động như nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ, đặc biệt công nghệ mới, công nghệ cốt lõi, công nghệ sản xuất các sản phẩm hóa dược có giá trị cao và một số hoạt động khác có tính chất đột phá nhằm phát triển ngành công nghiệp hóa dược.
b) Về khoa học - công nghệ, nhân lực và đào tạo
Tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, nhất là của các nước có nền công nghiệp hóa dược phát triển, cần xây dựng Chương trình thúc đẩy hoạt động nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ cho lĩnh vực hóa dược. Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế trong nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực ngành công nghiệp hóa dược. Chú trọng xây dựng, đào tạo, thu hút nhân lực chất lượng cao, tạo điều kiện cho các nhà khoa học, trong đó có Việt kiều, người nước ngoài về làm việc tại Việt Nam.
c) Về tài chính và đầu tư
Ngành công nghiệp hóa dược đòi hỏi tập trung nguồn lực đầu tư lớn tập trung vào:
(1) Thu hút nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước cho nghiên cứu phát triển sản phẩm hóa dược; Đặc biệt chú trọng thu hút đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đa quốc gia.
(2) Chính phủ, Bộ, ngành xem xét, bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách đối với một số dự án, chương trình cụ thể về hóa dược.
d) Về hợp tác quốc tế và xúc tiến thương mại, thông tin và truyền thông.
Hợp tác quốc tế là một giải pháp quan trọng nhằm tiếp cận, tiếp thu kinh nghiệm của các nước phát triển, đồng thời, tham gia có hiệu quả vào lĩnh vực hóa dược trên phạm vi toàn cầu, tập trung vào một số lĩnh vực:
(1) Tích cực tham gia các diễn đàn, tổ chức quốc tế về hóa dược. Thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, hội thảo, trao đổi kết quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ với các nước có ngành công nghiệp hóa dược phát triển. Tăng cường hợp tác với các tập đoàn dược phẩm lớn đa quốc gia.
(2) Tận dụng lợi thế các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia nhằm tăng hiệu quả thu hút đầu tư phát triển sản xuất sản phẩm hóa dược, hỗ trợ bảo vệ sản xuất hóa dược trong nước;
(3) Khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước mở rộng hợp tác, liên doanh liên kết với các đối tác nước ngoài để mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm và thương hiệu hàng Việt Nam;
(4) Có biện pháp cụ thể nhằm xúc tiến, quảng bá xây dựng hình ảnh, thương hiệu quốc gia, chất lượng sản phẩm hóa dược có giá trị kinh tế cao. Nghiên cứu thúc đẩy việc xây dựng một số sản phẩm hóa dược trở thành sản phẩm quốc gia. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về sử dụng sản phẩm hóa dược trong nước.
Kết luận
Ngành công nghiệp hóa dược Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức lớn, nhưng cũng đồng thời có nhiều cơ hội để phát triển. Để phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, Việt Nam cần có những giải pháp đồng bộ, từ đầu tư cho R&D, đào tạo nguồn nhân lực, cải thiện quản lý chất lượng, đến khuyến khích đầu tư nước ngoài và tăng cường hợp tác quốc tế. Chỉ khi có những bước đi quyết liệt và đồng bộ, ngành hóa dược Việt Nam mới có thể vươn mình ra thị trường quốc tế, phục vụ ngành công nghiệp dược phẩm đáp ứng tốt nhất nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.
Tin tức liên quan
Đăng ngày: 30/11/2024
Sáng ngày 29/11 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Hóa chất đã tổ chức Hội thảo nâng cao trình độ về phòng ngừa phát hiện và ứng phó sự cố trong hoạt động sản xuất, lưu trữ, sử dụng, vận chuyển và xử lý hóa chất nguy hiểm.
Đăng ngày: 29/11/2024
Sáng ngày 27/11 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Lễ Khai mạc Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Hóa chất lần thứ 20 - VINACHEM EXPO 2024.
Đăng ngày: 26/11/2024
Với tốc độ phát triển của ngành công nghiệp hóa chất, việc tiềm ẩn các nguy cơ xảy ra sự cố trong quá trình sản xuất, kinh doanh hóa chất cũng sẽ tăng theo.
Đăng ngày: 18/11/2024
Hàng năm, trên thế giới xảy ra hàng nghìn vụ tai nạn lao động liên quan đến hóa chất, gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, tính mạng con người và thiệt hại kinh tế.
Đăng ngày: 11/11/2024
Hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc và vi phạm quy định về quản lý chất cháy, chất độc bị xử lý như thế nào theo Bộ luật Hình sự?
Đăng ngày: 08/11/2024
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 08/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trình bày tóm tắt Tờ trình về Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi). Xin giới thiệu toàn văn phát biểu trình bày của Bộ trưởng ...