Ngày 03/8/2024, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Hóa chất tổ chức Hội nghị về Tăng cường quản lý, kiểm soát tiền chất công nghiệp và hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện khai báo hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp trên hệ thống Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Tham dự hội nghị có đại diện Lãnh đạo Cục Hóa chất, các đơn vị thuộc Cục Hóa chất và gần 100 đại biểu từ các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực hóa chất khu vực miền Nam.
Ông Phạm Huy Nam Sơn, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất chủ trì Hội nghị
Phát biểu khai mạc hội nghị, Ông Phạm Huy Nam Sơn, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất cho biết, hội nghị nhằm triển khai các quy định hiện hành của pháp luật trong lĩnh vực hóa chất, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng tiền chất công nghiệp trong việc thực hiện các quy định tại Luật Hóa chất và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn có liên quan.
Toàn cảnh Hội nghị ngày 03 tháng 8 năm 2024
Tại Hội nghị, các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, sử dụng hóa chất đã được các báo cáo viên cập nhật thông tin về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tiền chất công nghiệp, hóa chất thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp và hướng dẫn thực hiện khai báo hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp trên hệ thống Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Nhấn mạnh tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Ninh, Chuyên viên phòng Quản lý hóa chất, Cục Hóa chất cho biết: hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, kiểm soát tiền chất công nghiệp hiện nay ngoài việc tuân thủ Luật Hóa chất năm 2007 còn cần thực hiện theo các quy định tại Luật Phòng chống ma túy năm 2021, Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Bà Nguyễn Thị Ninh, Chuyên viên phòng Quản lý hóa chất, Cục Hóa chất báo cáo tại Hội nghị
Hiện nay, có 60 tiền chất ma túy, trong đó 40 tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp do Bộ Công Thương quản lý, 12 tiền chất do Bộ Công an quản lý và 08 tiền chất sử dụng trong ngành y tế do Bộ Y tế quản lý. Phần lớn các tiền chất hóa chất được sử dụng hợp pháp trong nhiều lĩnh vực kinh tế, có vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, các tiền chất được nhập khẩu và sử dụng với số lượng lớn chủ yếu thuộc lĩnh vực công nghiệp.
“Khâu quản lý, sử dụng tiền chất công nghiệp của doanh nghiệp còn thiếu chặt chẽ có thể dẫn đến tình trạng tiền chất công nghiệp bị tuồn ra, trôi nổi trên thị trường. Vì vậy, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp phải nâng cao ý thức, vai trò, trách nhiệm của mình trong việc quản lý, sử dụng, kiểm soát tiền chất công nghiệp.
Việc thắt chặt công tác quản lý của cơ quan chức năng sẽ ít nhiều gây khó khăn, mất thêm thời gian cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục thông quan, tuy nhiên sẽ góp phần giúp công tác quản lý tiền chất công nghiệp được chặt chẽ hơn trong thời gian tới.
Tất cả các cán bộ, công chức Cục Hóa chất sẽ luôn nỗ lực, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện thủ tục hành chính, tuy nhiên các tổ chức, cá nhân cũng cần phải hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của công tác quản lý, kiểm soát tiền chất công nghiệp hiện nay” Ông Phạm Huy Nam Sơn, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất nhấn mạnh tại hội nghị.
Hình ảnh các tổ chức, cá nhân ký cam kết với Cục Hóa chất với mục tiêu “Tuyệt đối tuân thủ quy định
pháp luật về quản lý tiền chất và quyết tâm chung tay ngăn chặn hành vi sử dụng tiền chất sai mục đích”
Sau buổi hội nghị, các tổ chức, cá nhân đã nhận thức rõ hơn về trách nhiệm và vai trò của mình trong công tác quản lý, sử dụng và kiểm soát tiền chất hiện nay; góp phần đảm bảo tiền chất được sử dụng đúng mục đích, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy cũng như tăng cường đấu tranh, tránh làm thất thoát tiền chất có thể bị các đối tượng sử dụng vào sản xuất ma túy trái phép hoặc vào mục đích bất hợp pháp khác.