Nỗ lực hoàn thiện chính sách và thực thi pháp luật về quản lý hóa chất
Nhận thức được tầm quan trọng của ngành công nghiệp hóa chất, chỉ sau 6 tháng Luật Hoá chất có hiệu lực, ngày 2/1/2009, Cục Hóa chất được thành lập theo Quyết định số 01/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ngay sau khi được thành lập, Cục Hóa chất đã tập trung ngay vào việc ổn định tổ chức, phát triển đội ngũ, xây dựng cơ sở vật chất, đồng thời tập trung vào việc xây dựng bổ sung hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quản lý hoá chất làm cơ sở cho công tác quản lý nhà nước về hóa chất, từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực thi chính sách, pháp luật về hóa chất.
Xác định phát triển nhân lực là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, Cục Hóa chất đã tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng được các yêu cầu của cán bộ, công chức. Đến nay, Cục Hóa chất đã có 40 cán bộ, công chức, viên chức… Trong suốt hơn 10 năm qua, Cục luôn chú trọng công tác đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ, công chức, khai thác cơ hội cho cán bộ, công chức, viên chức trẻ tham gia các khóa đào tạo về quản lý hóa chất tại các nước có hệ thống quản lý hóa chất tiên tiến như Thụy Điển, Nhật Bản… Tham gia các diễn đàn quản lý hóa chất khu vực và thế giới, các khóa đào tạo thanh sát, an toàn an ninh hóa chất, kiểm soát hàng xuất khẩu, tiếp cận chiến lược quản lý hóa chất quốc tế SAICM. Đồng thời, nhiều cán bộ, công chức, viên chức của Cục đã được tham gia các khóa học bồi dưỡng kiến thức về quản lý nhà nước, về lý luận chính trị. Nhiều cán bộ, công chức trẻ đã trưởng thành và được bổ nhiệm vào các chức danh quản lý của Cục.
Với nguồn nhân lực chất lượng, có trình độ chuyên môn cao, từ năm 2009 đến nay, Cục đã chủ trì xây dựng và trình ban hành 01 pháp lệnh, 09 Nghị định của Chính phủ, 14 Thông tư, các dự án về quản lý hóa chất. Đến nay, các nghị định và thông tư nêu trên đã được hợp nhất thành 03 nghị định và 04 thông tư hướng dẫn thực hiện, về cơ bản đã phủ kín được yêu cầu cần thiết trong quản lý nhà nước về hoạt động hoá chất.
Trong quản lý hoạt động hóa chất, một trong những trọng tâm hướng đến là đảm bảo an toàn cho các hoạt động hoá chất và phù hợp với các điều ước quốc tế về hoá chất mà Việt Nam là nước thành viên, theo đó, Cục đã xây dựng, trình ban hành các văn bản pháp lý, phân công, phân cấp trong việc thực hiện xây dựng Kế hoạch, Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; huấn luyện an toàn hóa chất…; quy định các yêu cầu đảm bảo an toàn đối với các hoá chất nguy hiểm…; tổ chức phổ biến pháp luật, huấn luyện về an toàn hóa chất, các hoạt động thanh tra, kiểm tra, diễn tập ứng phó các sự cố hóa chất nhằm hạn chế những tổn thất, thiệt hại khi xảy ra sự cố hóa chất.
Chủ động đề xuất chính sách phát triển công nghiệp hoá chất
Bên cạnh việc xây dựng hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật và thực thi quản lý hóa chất, Cục Hóa chất đã chủ trì xây dựng và trình ban hành 06 quy hoạch ngành và nhóm ngành hoá chất. Mặc dù các quy hoạch này đến nay đã hết hiệu lực nhưng các thông tin dự báo và các giải pháp thực hiện quy hoạch vẫn được các doanh nghiệp tham khảo, áp dụng có hiệu quả.
Trong thời gian qua, Cục đã đề xuất nhiều giải pháp tham mưu Lãnh đạo Bộ, với Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho các dự án, doanh nghiệp hóa chất thua lỗ thuộc 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương, góp phần giảm bớt khó khăn về tài chính của các doanh nghiệp, trong đó, Công ty CP DAP-Vinachem Đình Vũ đã thoát lỗ, có lãi từ năm 2018 đến nay.
Chủ trì thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ phát triển công nghiệp hóa dược đến năm 2020 bước đầu thu được các kết quả tốt, được nhiều nhà khoa học và doanh nghiệp hoá dược đánh giá cao…Đây là một bước quan trọng hướng đến phát triển công nghiệp hoá chất một cách hài hoà về cơ cấu sản phẩm, phát huy lợi thế của Việt Nam trong các ngành hóa chất cơ bản, hóa dầu, hóa dược, cao su....
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2021 là Cục sẽ hoàn thành dự thảo “Chiến lược phát triển công nghiệp hoá chất Việt Nam đến 2030 tầm nhìn đến 2040”, theo đó, việc hình thành khu tổ hợp công nghiệp hoá chất tập trung, trung tâm logistics phân bổ theo vùng miền có tính đến các đặc điểm riêng có và lợi thế vùng miền cùng với các cơ chế chính sách phù hợp, là giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển công nghiệp hoá chất bền vững, giảm chi phí tăng tính cạnh tranh cao theo mô hình “kinh tế tuần hoàn”.
Cải cách hành chính tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước
Thực hiện chủ trương cải cách hành chính nhằm từng bước cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Cục Hoá chất đã thực hiện rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa 46/130 điều kiện đầu tư kinh doanh, công việc này tiếp tục được nghiên cứu, rà soát và thực hiện. Trong số 28 thủ tục hành chính trong môi trường mạng ở cấp độ 3 và 4, có 09 TTHC thực hiện qua Cổng thông tin một cửa quốc gia… Đáng chú ý, với thủ tục hành chính “khai báo hóa chất” nhập khẩu qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, từ năm 2017, thay vì doanh nghiệp phải chờ năm ngày nhận kết quả hoàn thành thủ tục “khai báo hóa chất” theo quy định trước đây, doanh nghiệp ở mọi nơi, mọi lúc chỉ cần vào mạng điền thông tin nhập khẩu và sau 10-15s là hoàn thành khai báo hóa chất để làm thủ tục thông quan. Nhiều doanh nghiệp đã gửi thư cảm ơn đến Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ và Cục Hoá chất khi thủ tục hành chính này được thực hiện.
Cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia do Cục Hóa chất xây dựng, là công cụ hữu hiệu cho quản lý hoá chất và góp phần cho công tác cải cách thủ tục hành chính đã được đưa vào vận hành ổn định, có hiệu quả từ năm 2018, đã tạo thuận lợi cho các cơ quan quản lý các cấp và doanh nghiệp thực thi các yêu cầu trong quản lý hoạt động hoá chất, được các cơ quan, doanh nghiệp hóa chất trong nước và các cơ quan quản lý hóa chất các nước đánh giá cao.
Với sự nỗ lực lớn và những đóng góp của mình trong việc hoàn thiện thể chế quản lý, thực thi và phát triển ngành công nghiệp hóa chất, tập thể Cục đã vinh dự được tặng nhiều Bằng khen, Cờ thi đua khen thưởng của Bộ Công Thương; nhiều cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương hữu nghị, danh hiệu chiến sỹ thi đua…
Đổi mới, đoàn kết, phát huy sức mạnh, trí tuệ tập thể
Trong giai đoạn phát triển hiện nay, nhận thức rõ những cơ hội và thách thức, Cục Hóa chất đã đặt ra định hướng phát triển trong giai đoạn tới là: Đổi mới, đoàn kết phát huy sức mạnh trí tuệ tập thể, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất, đưa Cục Hóa chất trở thành một cơ quan quản lý chuyên ngành, chuyên sâu về hóa chất, đề xuất ban hành chính sách phù hợp phát triển công nghiệp hóa chất cân đối về cơ cấu sản phẩm, phát huy lợi thế và phù hợp với xu hướng phát triển bền vững của thế giới.
Thực hiện theo định hướng phát triển này, Cục sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hệ thống quản lý, điều hành, nghiên cứu và áp dụng mô hình quản lý hóa chất tiên tiến của các nước trên thế giới; quan tâm xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tạo môi trường làm việc tốt nhất. Tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật về quản lý hóa chất, tạo môi trường thuận lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất. Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, hiện đại hóa môi trường làm việc, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực cải cách hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Cục; hoàn thiện và nâng cấp các phần mềm quản lý văn bản trong Cục; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, các điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực hóa chất.
Bài viết được đăng tải tại số báo kỷ niệm 70 ngày truyền thống ngành Công Thương (Chi tiết xem Tại đây)
Báo Công Thương Điện TửHàng năm, trên thế giới xảy ra hàng nghìn vụ tai nạn lao động liên quan đến hóa chất, gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, tính mạng con người và thiệt hại kinh tế.
Hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc và vi phạm quy định về quản lý chất cháy, chất độc bị xử lý như thế nào theo Bộ luật Hình sự?
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 08/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trình bày tóm tắt Tờ trình về Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi). Xin giới thiệu toàn văn phát biểu trình bày của Bộ trưởng ...
Cục Hóa chất phổ biến văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành liên quan đến quản lý về an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản, vận chuyển hóa chất nguy hiểm.
Sáng 28/10, tại Hà Nội, Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo giới thiệu Những điểm mới của Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) và chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.
Cục Hóa chất phổ biến văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý về an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản, vận chuyển hóa chất nguy hiểm.