Đoàn Việt Nam tham dự Kỳ họp lần thứ 28 Hội nghị quốc gia thành viên Công ước Cấm vũ khí hóa học

Công ước Cấm vũ khí hoá học là một trong những công cụ pháp lý toàn cầu quan trọng nhất để gìn giữ an ninh và hòa bình cho một thế giới không còn vũ khí hóa học nói riêng và vũ khí hủy diệt hàng loạt nói chung. Tổ chức Cấm vũ khí hoá học (OPCW) ngoài chức năng thực hiện Công ước, còn là diễn đàn đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia trong phát triển công nghiệp hóa chất một cách an toàn và an ninh, vì mục đích hòa bình.

Việt Nam ký Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học (sau đây gọi tắt là Công ước Cấm vũ khí hóa học) vào năm 1993 và phê chuẩn Công ước vào năm 1998. Cơ quan quốc gia Việt Nam thực hiện Công ước Cấm vũ khí hóa học (VNA) được thành lập theo Quyết định số 76/2002/QĐ-TTg ngày 14 tháng 6 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ. Thường trực Cơ quan quốc gia Việt Nam được đặt tại Cục Hoá chất (Bộ Công Thương).

Việt Nam đã nội luật hoá việc thực hiện Công ước tại Nghị định số 38/2014/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về quản lý hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học.

Kỳ họp lần thứ 28 Hội nghị quốc gia thành viên Công ước Cấm vũ khí hóa học (sau đây gọi tắt là CPS28) được tổ chức tại Trụ sở OPCW (thành phố Lahay, Hà Lan) từ ngày 27 tháng 11 đến hết ngày 01 tháng 12 năm 2023, trong bối cảnh Công ước CWC đã đạt được thành công trên nhiều phương diện trong năm 2023.

Ngày 07 tháng 7 năm 2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố tiêu huỷ vũ khí hoá học cuối cùng trên lãnh thổ. Tổ chức Cấm Vũ khí hóa học (OPCW) đánh giá việc Mỹ tiêu hủy vũ khí hóa học cuối cùng là “thành công lịch sử trong giải trừ quân bị”. OPCW cho biết thông báo của Mỹ đồng nghĩa toàn bộ kho dự trữ vũ khí hóa học đã biết trên thế giới “được xác minh là bị tiêu hủy và không thể đảo ngược”. Đây mà một trong những thành công lớn nhất trong việc thực thi Công ước trong năm 2023.

Về hợp tác khoa học, kỹ thuật, ngày 12 tháng 5 năm 2023, Tổng Giám đốc OPCW và Nhà vua Hà Lan đã cùng cắt băng khánh thành Trung tâm khoa học công nghệ ChemTech. Trung tâm ChemTech là tổ hợp phòng thí nghiệm - trung tâm đào tạo hiện đại hàng đầu của OPCW với mục tiêu nâng cao năng lực nghiên cứu và phân tích, xác minh vũ khí hoá học và các loại hoá chất lưỡng dụng do Công ước kiểm soát. Đồng thời nâng cao năng lực đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật của OPCW cho các quốc gia thành viên, bao gồm các khoá đào tạo về ứng phó sự cố an toàn, an ninh hoá chất khẩn cấp và các khóa đào tạo về phân tích cho các phòng thí nghiệm của các quốc gia thành viên.

Bên cạnh các thành công về phương diện kỹ thuật, Công ước CWC hiện đang đối mặt với những thách thức trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là những hệ lụy của cuộc xung đột Nga - Ukraine, khiến gia tăng cọ sát, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nhất là giữa Mỹ/các nước phương Tây với Nga, Trung Quốc; cùng với đó là xu hướng chính trị hóa các thảo luận, hợp tác tại các diễn đàn đa phương, trong đó có OPCW.

Trong bối cảnh vừa đạt được nhiều thành tựu về kỹ thuật, vừa tồn tại những mâu thuẫn, thách thức chính trị, CSP28 tập trung thảo luận các chủ đề mang tính thời sự: Vấn đề về vũ khí hoá học ở Syria; Vấn đề Nga - Ukraina; Vấn đề Palestin/Hamas- Israel; Quan ngại tính minh bạch và chính trị hóa công việc thực thi của OPCW; Đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kiểm soát hóa chất (biện pháp phòng ngừa từ xa và mang tính chiến lược); Thúc đẩy công tác tuyên truyền và nâng cao trách nhiệm trong cộng đồng hóa học bao gồm các hiệp hội công nghiệp hóa chất và các viện nghiên cứu, các trường đào tạo chuyên ngành hóa học; Tăng cường vai trò của Trung tâm ChemTech trong việc hỗ trợ, nâng cao năng lực thực thi Công ước của các quốc gia thành viên, nhất là các nước đang phát triển.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Công văn số 8616/VPCP-QHQT ngày 02 tháng 11 năm 2023, Đoàn Việt Nam gồm đồng chí Cục trưởng Cục Hoá chất, đồng chí Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Hà Lan và đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Công an, Công Thương, Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan đã tham dự CSP28.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Đoàn Việt Nam đã có phát biểu tại Phiên thảo luận chung, trong đó tái khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam về ủng hộ việc giải trừ hoàn toàn vũ khí hủy diệt hàng loạt, bao gồm cả vũ khí hóa học, và lên án mọi hành vi sử dụng vũ khí hóa học bởi bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào và vì bất kỳ động cơ nào; khẳng định cam kết của Việt Nam thực hiện các nghĩa vụ theo CWC, ủng hộ công việc và nỗ lực của OPCW trên nguyên tắc minh bạch, khách quan trong hỗ trợ các nước thành viên thực hiện CWC; kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế nhằm phát triển công nghiệp hóa chất vì mục đích hòa bình, tăng cường hỗ trợ, ưu tiên về nhân lực cho các nước đang phát triển.

Song song với Chương trình nghị sự chính thức, Đoàn Việt Nam đã tham gia nhiều hoạt động bên lề như sau:

-  Họp song phương Ban Thư ký kỹ thuật của OPCW. Tại buổi làm việc, Việt Nam đã bày tỏ đánh giá cao hợp tác giữa hai bên, nêu các đề nghị OPCW hỗ trợ trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, tăng cường năng lực xét nghiệm, phòng thí nghiệm, nhân lực trong lĩnh vực hóa chất, chuyển giao thiết bị. OPCW đã ghi nhận và có phản hồi tích cực với các đề xuất này.

- Đến thăm và làm việc tại Trung tâm Hóa học và Công nghệ (ChemTech) mới khai trương của OPCW để tìm hiểu các cơ hội hợp tác, đề nghị phía bạn hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực nâng cao năng lực phân tích của các phòng thí nghiệm tại Việt Nam.

- Tham dự các sự kiện bên lề tại Hội nghị, bao gồm: Hội thảo quản lý và sử dụng chất chống bạo loạn (Riot Control Agents); Lễ tưởng niệm thường niên các nạn nhân của vũ khí hoá học; Hội thảo về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với việc đảm bảo an toàn, an ninh hoá chất; Hội thảo về phá huỷ vũ khí hoá học bằng phương pháp nhấn chìm trong đại dương v.v...


Một số hình ảnh của Đoàn Việt Nam tại Hội nghị:

 


                                                                                 
                                                                       
Đoàn Việt Nam tại Phiên họp toàn thể


                 
                 
 Trao quà cho Ông Li Zhao – Trưởng Ban Hợp tác quốc tế OPCW tại cuộc họp song phương


                        
                           
 Đoàn Việt Nam thăm và làm việc tại Trung tâm Hóa học và Công nghệ (ChemTech)


                                                      
                                                   
 Lễ tưởng niệm các nạn nhân của vũ khí hoá học
 
Tin tức liên quan
Việt Nam tích cực đóng góp tại Đối thoại Hóa chất lần thứ 33 trong khuôn khổ APEC 2024 tại Peru
Đăng ngày: 20/08/2024

Việt Nam tích cực đóng góp tại Đối thoại Hóa chất lần thứ 33 trong khuôn khổ APEC 2024 tại Peru

Trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2024 được tổ chức tại Peru, đoàn đại biểu Cục Hóa chất Việt Nam đã tham dự cuộc họp Đối thoại Hóa chất (Chemical Dialogue) lần thứ 33. Sự kiện này là một diễn đàn quan trọng để các nền kinh tế thành viên APEC trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về các vấn đề liên quan đến ngành công nghiệp hóa chất trong khu vực.

Tham dự Đối thoại hoá chất lần thứ 32 trong khuôn khổ APEC 2024
Đăng ngày: 02/03/2024

Tham dự Đối thoại hoá chất lần thứ 32 trong khuôn khổ APEC 2024

Đối thoại hoá chất lần thứ 32 (CD32) được tổ chức trong khuôn khổ chuỗi Hội nghị lần thứ nhất của các quan chức cấp cao APEC năm 2024 (SOM1) tại Lima, Peru từ ngày 29/02/2024 đến ngày 02/3/2024.

Tham dự Hội thảo Điều tra chuyển hướng hóa chất, tiền chất tại Indonesia
Đăng ngày: 01/03/2024

Tham dự Hội thảo Điều tra chuyển hướng hóa chất, tiền chất tại Indonesia

Thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế trong hoạt động hóa chất, Cục Hóa chất cử đại diện tham dự Hội thảo Điều tra chuyển hướng hóa chất, tiền chất từ ngày 26 tháng 2 năm 2024 đến ngày 01 tháng 3 năm 2024 tại Indonesia.

Đoàn Việt Nam tham dự Kỳ họp lần thứ 28  Hội nghị quốc gia thành viên Công ước Cấm vũ khí hóa học
Đăng ngày: 05/12/2023

Đoàn Việt Nam tham dự Kỳ họp lần thứ 28 Hội nghị quốc gia thành viên Công ước Cấm vũ khí hóa học

Công ước Cấm vũ khí hoá học là một trong những công cụ pháp lý toàn cầu quan trọng nhất để gìn giữ an ninh và hòa bình cho một thế giới không còn vũ khí hóa học nói riêng và vũ khí hủy diệt hàng loạt nói chung. Tổ chức Cấm vũ khí hoá học (OPCW) ngoài chức năng thực hiện Công ước, còn là diễn đàn đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia trong phát triển công nghiệp hóa chất một cách an toàn và an ninh, vì mục đích hòa bình.

Hội thảo Hóa học xanh Việt Nam – Hàn Quốc – đẩy mạnh phát triển bền vững cho ngành hóa chất
Đăng ngày: 23/02/2023

Hội thảo Hóa học xanh Việt Nam – Hàn Quốc – đẩy mạnh phát triển bền vững cho ngành hóa chất

Vừa qua, Hội Hóa học Việt Nam (CSV) và Hiệp hội Công nghiệp và kỹ thuật Hóa học Hàn Quốc (KSIEC) đã phối hợp tổ chức Hội thảo Hóa học xanh Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ 10. Hội thảo cung cấp các thông tin về những tiến bộ cả về học thuật và công nghiệp trong hóa học xanh và tính bền vững với sự tham gia của gần 100 chuyên gia từ Việt Nam và Hàn Quốc.

Đối thoại Hóa chất lần thứ 18 trong khuôn khổ SOM1, APEC Việt Nam 2017
Đăng ngày: 23/12/2021

Đối thoại Hóa chất lần thứ 18 trong khuôn khổ SOM1, APEC Việt Nam 2017

Việt Nam đăng cai tổ chức Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương năm 2017 (APEC 2017). Trong khuôn khổ Hội nghị các quan chức lần thứ nhất (SOM1) tại thành phố Nha Trang, Bộ Công Thương (Cục Hóa chất) đã tham dự Cuộc họp trù bị Công nghiệp (Industry Pre-meeting) và Đối thoại Hóa chất (Chemical Dialogue) với vai trò là nước chủ nhà APEC 2017.

X

Đăng ký nhận thông tin

Ô có dấu * cần điền đầy đủ thông tin
Top